Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU, ngày 26/5/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. Việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu, tạo ra môi trường về mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư, góp phần tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện CNH-HĐH công nghiệp nông thôn.
Từ năm 2014 đến nay tỉnh đã thành lập 14 cụm công nghiệp, gồm: Chăm Mát – Dân Chủ, Yên Mông, Tiên Tiến, Đồng Tâm, Phú Thành II, Thanh Nông, Môi trường công nghệ cao Hòa Bình, Xóm Rụt, Hòa Sơn, Phong Phú, Đông Lai – Thanh Hối, Đà Bắc, Tây Phong, Chiềng Châu. Hiện nay có 03 cụm công nghiệp đã đầu tư cơ bản đồng bộ hạ tầng kỹ thuật (cụm công nghiệp Chiềng Châu; cụm công nghiệp Phú Thành II; cụm công nghiệp Tiên Tiến), đạt 50% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Tới nay, chỉ tiêu tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt như sau: Cụm công nghiệp Chiềng Châu (đạt 100% so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Phú Thành II (đạt 86,85% so với chỉ tiêu Nghị quyết); Cụm công nghiệp Đồng Tâm (đạt 50,55% so với chỉ tiêu Nghị quyết); Cụm công nghiệp Đông Lai – Thanh Hối (đạt 48,45 % so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Xóm Rụt (đạt 17,35 % so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Thanh Nông (vượt 161,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết); cụm công nghiệp Tiên Tiến (vượt 122,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết); 07 cụm công nghiệp còn lại đạt tỷ lệ 0%.
Thực hiện đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, đã triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu với tổng vốn thực hiện là: 32,05 tỷ đồng. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU, ưu tiên tập trung triển khai đầu tư, hoàn thiện một số công trình thiết yếu một số cụm công nghiệp tại thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn với tổng vốn khoảng trên 740 tỷ đồng (bao gồm lũy kế từ trước và sau khi thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU đến nay). Đã triển khai được các hạng mục hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh tập trung vào các hạng mục như quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải tập trung,...
Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng tới công tác thu hút đầu tư. Từ năm 2014 đến nay, đã thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 12 cụm công nghiệp; thu hút 40 dự án thứ cấp trong CCN, với tổng diện tích đất đã cho thuê là 91,12 ha; Tổng số vốn đăng ký khoảng 3.597,46 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đã thu hút dự án thứ cấp đạt 41,2%. Năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.
Cùng với đó, chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển công nghiệp. Các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường trước khi triển khai dự án; các dự án khi đi vào hoạt động thường xuyên tiến hành quan trắc môi trường định kỳ hàng năm. Đã driển khai đầu tư xây dựng 03 Trạm xử lý nước thải tập trung: 01 Trạm tại Cụm công nghiệp Chiềng Châu (đã hoàn thành đi vào hoạt động); 01 Trạm tại Cụm công nghiệp Phú Thành II (đã hoàn thành chưa đi vào hoạt động); 01 trạm tại Cụm công nghiệp Tiên Tiến (hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1+2 với công suất 2.500m3/ngàyđêm). Thực hiện nghiêm công tác PCCC trong các cụm công nghiệp; quan tâm đến công tác PCCC, đầu tư cơ sở vật chất, thành lập đội chữa cháy chuyên ngành… trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đạt danh hiệu điển hình tiên tiến trong xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Thông qua việc xây dựng, nhân rộng điển hình, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự cải thiện, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và khả năng xử lý sự cố cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” không để bùng phát gây cháy lớn.
Tuy nhiên hiện nay, việc ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Một số cụm công nghiệp hiện nay chưa có hoặc chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh, còn tồn tại việc các nhà đầu tư dự án sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp phải thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng,... như các dự án ngoài cụm công nghiệp. Thiếu cơ chế hấp dẫn thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp, dẫn đến số dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp chưa cao. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng….
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2025 đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp của tỉnh như sau: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025… Phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh". Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh và những năm tiếp theo, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường với trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo; chế biến nông lâm sản; vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử, trên cơ sở phát triển các cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp điện năng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất xanh, tiêu hao ít nhiên liệu, hiệu suất cao. Rà soát và xử lý và di dời dứt điểm các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, có tác động tiêu cực tới phát triển du lịch và môi trường, sinh thái. Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguồn nguyên liệu hiện có, thân thiện với môi trường, phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt đầu tư hoàn hiện hạ tầng giao thông; hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; rà soát, xem xét, đánh giá năng lực chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn. Tập trung triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước; thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển và thu hút đầu tư; bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp; tăng cường quy chế phối hợp quản lý nhà nước; quản lý chặt chẽ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trong các cụm công nghiệp./.